Ngoại ngữ sinh tồn
Tôi đã bật khóc nhiều lần trong tuần nhập học tại Anh. Đến các giọng khác nhau trong giao tiếp tôi còn không hiểu, đi tiếp thế nào đây.
Đó là lần đầu tiên nghe giọng bạn bè đến từ các nước khác nhau mà tôi không thể bắt nổi âm, từ Ấn Độ, Trung Đông đến các cùng miền khác nhau của Anh, Mỹ, hay châu Âu, Á. Thầy đưa cho chúng tôi cuốn sách về chủ đề xói mòn đất, yêu cầu đọc để hôm sau thảo luận. Cuốn sách dày khoảng 400 trang, tôi nhìn mà choáng váng vì có bao giờ ở Việt Nam mình được đào tạo kỹ năng tóm tắt một cuốn sách bằng tiếng Anh rồi đem ra thảo luận đâu.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại, vì sao sách không liên quan đến lĩnh vực giáo dục chúng tôi sẽ học. Thầy cười: "Xem các cô cậu thành thạo tiếng Anh đến mức nào để tôi còn có hướng hỗ trợ", và rằng "Phải hiểu và sử dụng thành thạo ngôn ngữ mới phân tích sâu được vấn đề cũng như không gây hiểu lầm".
Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến phương pháp học hoàn toàn theo hình thức thảo luận. Sinh viên phải đọc rất nhiều sách, nhiều bài báo để tổng hợp thông tin, biến thành hiểu biết của mình, đến lớp thảo luận với thầy và bạn. Bài viết cuối mỗi môn cũng ít nhất 4.000 - 6.000 từ, chạy qua một phần mềm quét từ khoá tránh đạo văn mà mỗi bài không được phép vượt quá 10% từ khoá, và kèm theo thuyết trình từng môn học.
Ngụp lặn trong môi trường dùng tiếng Anh theo cách ấy, cuối tuần tôi đến nhà thờ nghe giảng đạo và hoà nhập vào thế giới văn hoá của người bản địa để thẩm thấu tiếng Anh ở nhiều góc trong đời sống, tôi đã thay đổi nhận thức hoàn toàn về việc dạy và học tiếng Anh.
Trở về Việt Nam, tôi khát khao mang đến cho bọn trẻ môi trường sử dụng tiếng Anh thực tiễn chứ không đi theo hướng điểm số
như cách tôi từng dạy học sinh khi còn là cô giáo trước khi du học. Cái gốc để một ngôn ngữ tồn tại được là khi nó đáp ứng nhu cầu của người dùng và thấm được vào đời sống thường nhật như một công cụ giao tiếp hiệu quả nhưng hệ thống giáo dục Việt Nam đang hoàn toàn dạy hướng theo điểm số thay vì mục tiêu đầu ra là năng lực sử dụng thực tiễn.
Kết quả: hiệu quả dạy tiếng Anh trong nhà trường rất thấp. Tiếp cận với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, một số độc giả VnExpress thậm chí đặt ra vấn đề: nếu dạy tiếng Anh mà không dùng thì cũng không cần dạy nữa. Đây thực chất là một cách phản biện đúng.
Năm 2013, nhóm chuyên gia chúng tôi đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa hình thức đánh giá kỹ năng nghe, nói môn ngoại ngữ vào hệ thống giáo dục quốc dân nhưng bị thất bại, và đến giờ đề xuất đó vẫn nằm im.
Ngôn ngữ nào cũng phải bắt đầu bằng phản xạ nghe hiểu, bật thành phản xạ nói, rồi mới đến đọc và viết. Nếu trường học đánh giá kỹ năng nghe và nói thực chất và thường xuyên hơn sẽ thúc đẩy việc luyện tập của học sinh thay vì kiểm tra các kỹ năng chủ yếu qua phản xạ "mắt nhìn" trên giấy như trong các đề thi hiện tại.
Khi tiến hành khảo sát chuyên môn ở các tỉnh, chúng tôi nghe thầy cô giáo chia sẻ rằng "công nghệ không phải là vấn đề lớn". Họ chỉ cần có điện thoại, loa và Internet là đủ. Vì việc dùng ngôn ngữ của thầy cô chủ yếu ở kỹ năng tương tác, nghe, hiểu với học sinh. Cái khó ở chỗ, mỗi học sinh có trình độ, nhu cầu và nhận thức khác nhau, lại thiếu môi trường thực hành nên giáo viên rất khó để đảm bảo chất lượng bài học.
Tôi tin rằng thói quen sử dụng hàng ngày góp phần quan trọng giúp bạn làm chủ một ngôn ngữ, song nhiều khi chính mình phải tự
tạo ra. Tạo ra môi trường sử dụng ngôn ngữ chính là cách để phát triển kỹ năng lập luận và biểu đạt tri thức một cách thành thạo cho người học. Tôi đã quyết định thay đổi hoàn toàn cách dạy tiếng Anh của mình, tập trung kiến tạo môi trường sử dụng tiếng Anh để học sinh cùng thực hành và dạy lại nhau thay vì đi theo các chương trình luyện thi thông thường.
Khi chúng ta nhìn nhận lại cái gốc của một ngôn ngữ là công cụ biểu đạt suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc, hiểu biết của con người, ta sẽ thiết lập được mục tiêu đầu ra cho một sản phẩm giáo dục sau 9-12 năm của học sinh. Nhà thiết kế giáo dục nếu tìm ra những phương cách phù hợp, hiệu quả cho từng nhóm đối tượng cụ thể, không đánh đồng một khuôn đúc áp đặt việc học ngoại ngữ cho tất cả vùng miền, kết quả của môn học sau các kỳ thi sẽ khác.
Ngôn ngữ, suy cho cùng, là một công cụ phục vụ mục đích sống và kiến tạo của con người. Chương trình giảng dạy ngoại ngữ nếu muốn thành công không có cách nào khác phải nhận diện được nhu cầu xã hội, cải cách theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn ấy. Việt Nam sẽ thành công bước đầu nếu đưa được tiếng Anh vào đời sống hàng ngày.
Ngoại ngữ là sự chọn lựa theo nhu cầu giao tiếp và mục tiêu của mỗi cá nhân, mỗi vùng miền, nên giải pháp tốt nhất là để các sở giáo dục tự chủ đề xuất mục tiêu đầu ra cho địa phương theo đặc thù từng nơi dựa trên khung chương trình chung quốc gia của Bộ Giáo dục.
Đã đến lúc nhìn nhận vấn đề dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân như một nhu cầu thiết yếu để sử dụng trong thế giới thực, một "thanh gươm" thời hội nhập chứ không vì con số kết quả trên tờ giấy thi. Ngoại ngữ ngày nay không còn là đam mê hay yêu thích, mà là sự sinh tồn.