Tăng ca để sống tối thiểu

Tăng ca để sống tối thiểu

Cách đây vài năm, khi được mời về làm việc tại một cơ quan Nhà nước, tôi được “chốt” bậc lương 2,34 – bậc lương tối thiểu dành cho lao động trình độ Đại học.

Được đánh giá là nhân sự “có kinh nghiệm lâu năm” do lãnh đạo cơ quan mời về làm việc, nhưng bậc lương của tôi không thể vượt qua “quy định”. Cơ quan giải thích, kinh nghiệm công tác của tôi chủ yếu ở doanh nghiệp tư nhân, hoặc nước ngoài nên không được tính. Tôi chấp nhận lời giải thích đó, vì thu nhập tôi nhận về chủ yếu phụ thuộc kết quả công việc và vẫn thuộc nhóm cao tại cơ quan.

Nhưng mức lương tối thiểu 2,34 thực ra mang đến cho tôi nhiều thiệt thòi hơn tôi đã nghĩ. Các khoản tiền thưởng theo chế độ Nhà nước của tôi ít hơn hẳn những đồng nghiệp lâu năm. Với cơ quan tôi hồi đó, các khoản thu nhập như vậy là không nhỏ.

Bậc lương của tôi thậm chí được nêu ra trong một cuộc họp giữa cơ quan với Bộ chủ quản. Vấn đề không được giải quyết, vì đó là quy định. Tôi hiểu những khó khăn của lãnh đạo cơ quan, và rất xúc động khi họ luôn nỗ lực để tạo thêm các khoản thu nhập ngoài lương cho tôi. 2,34 là bậc lương tôi không thể trang trải cuộc sống, ngay cả khi chưa có gánh nặng con cái.

Lương tối thiểu hiện nay hầu như không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động tại các vùng, miền và cũng “chưa có cơ quan độc lập xác định mức sống tối thiểu”. Nhưng lương tối thiểu đang là cơ sở để các doanh nghiệp tính các khoản chi phí khác theo lương, ví dụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí công đoàn…

Về mặt lợi ích, người lao động luôn muốn nhận ngay tối đa số tiền mà doanh nghiệp chi trả, thay vì phải bớt lương để đóng góp vào các quỹ bảo hiểm. Dù về mặt nguyên tắc là trong tương lai, số tiền đóng các quỹ nói trên cũng thuộc về người lao động.

Có tới 11-16% thu nhập của người lao động đến từ việc làm thêm giờ – theo một khảo sát năm 2019 của Oxfam. Tại các nhà máy với dây chuyền hoạt động không ngừng (do chi phí khởi động hệ thống máy móc rất cao) – công nhân phải làm ca để đảm bảo hoạt động 24/24, thu nhập từ việc làm thêm giờ còn cao hơn nữa.

Công nhân tại một nhà máy sản xuất giày da tại Trà Vinh chia sẻ với tôi cảm xúc buồn bã khi không được tăng ca, do một khách hàng lớn tại Mỹ phá sản. Không làm thêm giờ, thu nhập của họ bị giảm đáng kể, dù vẫn đạt mức “tối thiểu” mà Nhà nước đặt ra.

Lương tối thiểu được đặt ra với giả thuyết người lao động không phải làm thêm giờ mà vẫn đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Nhưng thực tế, mức lương tối thiểu tại Việt Nam chưa đủ để duy trì mức sống đó.

Một xã hội sẽ không thể phát triển bình thường khi phần lớn lao động là công nhân tại các nhà máy, đang ngày đêm phải làm tăng ca, không có cơ hội giải trí, chăm sóc bản thân, giáo dục con cái… Sự kiệt quệ về thể xác và tinh thần của lực lượng lao động chính trong một đất nước có thể mang lại hệ lụy lớn hơn chúng ta có thể hình dung. Đó là lý do Luật Lao động có quy định về số giờ làm thêm tối đa của mỗi công nhân.

Trong tình hình mới, Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết nới trần giờ làm thêm từ 40 giờ lên tối đa 60 giờ. Đây dường như là giải pháp tình thế hơn là kế sách lâu dài. Tăng giờ làm thêm sẽ có lợi cho doanh nghiệp và người lao động trong ngắn hạn.

Doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất với các đơn hàng mới mà không phải thuê thêm công nhân, tiết kiệm tiền đóng bảo hiểm và các quỹ. Với người lao động, việc tăng giờ làm thêm có thể giúp họ tăng thu nhập.

Tuy nhiên, tăng giờ làm thêm có thể khiến doanh nghiệp không có nhu cầu thuê thêm công nhân ngay cả khi cần mở rộng sản xuất, từ đó dẫn đến thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, thời gian làm thêm kéo dài có thể khiến năng suất lao động giảm sút. Về lâu dài, Việt Nam sẽ ngày càng khó thoát khỏi hình ảnh của một đất nước có năng suất lao động và trình độ lao động thấp. Việc thu hút đầu tư khó tránh bị ảnh hưởng.

Nếu lấy lý do dịch bệnh để thay đổi một điều luật vô cùng quan trọng, các nhà làm luật có thể sẽ phải trù tính lộ trình điều chỉnh. Bởi dịch bệnh suy cho cùng cũng sẽ chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong khoảng thời gian ba năm, hoặc lâu hơn một chút. Trong khi hệ lụy từ việc vắt kiệt sức lao động có thể tác động lâu dài hơn thế.

Điều cơ bản cần tính khi nền kinh tế đang bắt đầu vận hành trở lại, là nếu buộc phải dùng đến lương tối thiểu như một tham chiếu thì cần đảm bảo nó thực hiện được đúng sứ mệnh ít ỏi vốn có: đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động mà không phải tăng ca.

Xem thêm: Khoản cách quyền lực

Nhà Báo Minh Thư

Kiến thức đào tạo

 

 

Cái tôi vị kỷ

“Cái tôi vị kỷ” – Tiến Sĩ Nguyễn Văn Đáng

Tôi quan sát và ngẫm thấy một điều, ở nhiều môi trường, người ta ít khi nói về danh dự. Ai đề cao danh dự dễ trở nên “lạc điệu”. Trong khi đó, những suy nghĩ và hành động “khôn lỏi”, vị kỷ có vẻ dễ được bỏ qua.

Vài lần, tại buổi giảng bài hay trên trang cá nhân, khi tôi bàn luận về vai trò của việc đề cao danh dự trong việc kiểm soát tư duy và hành động vị kỷ, nhiều bạn phê phán là “hão huyền, xa vời”, rằng chúng ta cần những giải pháp dễ nhìn thấy bằng mắt hơn.

Cũng không ít lần tôi trao đổi với đồng nghiệp về bản năng “tham” của con người. Mỗi cá nhân hành động đều trước hết là vì mình. Bởi thế, ý thức về danh dự và sự liêm chính sẽ là yếu tố khiến cá nhân phải cân nhắc mỗi khi đối diện tình huống có thể hành động vị kỷ. Tuy nhiên, những cuộc trao đổi về danh dự hay sự liêm chính đều diễn ra rất ngắn. Mọi người cũng thường im lặng hoặc ít ý kiến bàn luận.

Mười năm trước, khi theo học chương trình tiến sĩ về Quản trị công và chính sách tại Mỹ, tôi thấy danh dự là phạm trù luôn được đề cao trong văn hóa công vụ ở xứ này. Một trong những chủ đề mà tôi và giáo sư hướng dẫn hay “đàm đạo” là đạo đức của cán bộ công quyền, nhất là những người làm lãnh đạo và quản lý.

Những câu hỏi của tôi như: Làm thế nào để có được những nhà lãnh đạo và quản lý liêm chính? Làm sao có thể kiểm soát được cái tôi vị kỷ để họ không dám tiêu cực hay tham nhũng? Giáo sư giới thiệu với tôi vài tài liệu để đọc.

Những ý niệm đầu tiên về đạo đức công vụ ở các nước phương Tây gắn với truyền thuyết về Lucius Cincinnatus. Năm 458 trước Công nguyên, khi thành Rome bị đe dọa bởi ngoại bang, Cincinnatus, vốn là một nông dân, được thượng viện bổ nhiệm làm thống chế quân đội. Sau 16 ngày, ông đánh bại kẻ thù, từ chức và trở về công việc đồng áng của mình.

Cho đến nay, truyền thuyết về Cincinnatus không màng danh lợi sau khi thực hiện trách nhiệm với cộng đồng vẫn được giới lãnh đạo, hành chính và nhân viên công quyền ở nhiều nước phương Tây coi như một biểu tượng về danh dự công vụ.

Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về 19 điều Đảng viên không được làm mới ban hành hôm qua có nội dung, Đảng viên không được chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi.

Khi đảm nhiệm các vị trí công quyền, mỗi cá nhân đều luôn có những lợi ích riêng tư trong khi hành động của họ phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ lợi ích công. Đây chính là căn nguyên cho những tình huống tiềm ẩn nguy cơ “tiêu cực” hay “tham nhũng”.

Điều này cũng có nghĩa, sự liêm chính của mỗi cá nhân thực thi công vụ luôn đứng trước thách thức – đó là khi họ có thể ban hành những quyết định theo hướng có lợi cho bản thân hoặc liên quan đến họ nhưng lại thiệt hại nhất định cho lợi ích xã hội.

Nếu không được kiểm soát, hệ quả dễ thấy nhất của tình trạng trên là có thể gia tăng tham nhũng, giảm chất lượng chính sách, giảm hiệu quả hoạt động của chính quyền. Và trên hết, bào mòn lòng tin của người dân vào thể chế công và chính quyền nói chung.

Báo cáo mới đây của Chính phủ cho biết, năm 2021, ngành Công an đã thụ lý điều tra hơn 580 vụ án với khoảng 1.300 bị can về tham nhũng. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý là trên 800 tỷ đồng, hơn 398.600 mét vuông đất… Chỉ có bốn trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị với số tiền 350 triệu đồng.

“Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, nhưng tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho dân ngày càng tinh vi, chưa được ngăn chặn hiệu quả”, Chính phủ nhận định. Trong một động thái liên quan, gần đây, “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” được đổi tên thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Để chống tiêu cực, chúng ta nói nhiều đến việc “truy quét” chủ nghĩa cá nhân, phê phán những cán bộ vị kỷ. Tôi cho rằng, đây mới chỉ là vế thứ nhất của vấn đề. Vế thứ hai là, sau khi phê phán rồi thì cái chúng ta hướng đến là gì? Hẳn nhiên, đó phải là hệ giá trị đạo đức công mà đầu bảng phải là danh dự và sự liêm chính.

Liệu ý thức về danh dự, liêm chính có thể góp phần ngăn chặn hành vi vị kỷ và tiêu cực?

Trên thực tế, hành vi của các nhà lãnh đạo và nhân viên công quyền ở các nước phát triển bị kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định trong nội bộ hệ thống chính quyền cũng như sự giám sát từ xã hội. Ngoài ra, các hội nghề nghiệp luôn có các bộ “chuẩn mực hành vi” hay “quy tắc đạo đức nghề nghiệp”, bao gồm những quy tắc rất cụ thể để áp dụng với đội ngũ công chức.

Quan sát thực tế ở nước ta, tôi thấy những cá nhân khi được bổ nhiệm thường phát biểu cảm ơn sự quan tâm của cấp trên, sự ủng hộ của đồng nghiệp và hứa “sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Tuy nhiên, tôi không thấy họ cam kết về sự liêm chính hay sẽ bảo vệ danh dự bản thân và tổ chức. Vì thế, nhà nước có thể bổ sung quy định các cán bộ cần tuyên bố cam kết sẽ làm việc liêm chính, bảo vệ danh dự của bản thân, tổ chức và cả hệ thống khi nhận quyết định bổ nhiệm vào vị trí quản lý.

Bởi lẽ, với mỗi người, danh dự như chiếc la bàn, giúp chúng ta xác định được hành vi nào là đúng đắn trong cuộc sống riêng tư cũng như khi hành xử với người khác. Người làm việc cho chính quyền coi trọng danh dự sẽ tạo ra sợi dây ràng buộc giữa hành động của họ với trách nhiệm và bổn phận gắn với vị trí đảm nhiệm. Nhờ đó, mỗi người có thể kiềm chế tốt hơn cái tôi vị kỷ, không để nó tự tung tự tác.

Nhiều người có thể cười suy nghĩ của tôi. Nhưng tôi vẫn tin rằng, chỉ khi mỗi cá nhân và cả cộng đồng ý thức sâu sắc về các giá trị như danh dự và sự liêm chính thì họ sẽ tự khắc giảm thiểu hành động vị kỷ.

Lợi ích công chỉ thực sự được bảo vệ nếu mỗi cán bộ công quyền thấm đẫm những giá trị đạo đức phổ quát.

TS. Nguyễn Văn Đáng

Kiến Thức Đào Tạo

Khoảng cách quyền lực

Khoảng cách quyền lực

Tôi bị trật khớp vai ba tháng trước. Vết thương đang liền, nhưng cánh tay vẫn đau nhức chưa khỏi hẳn.

Tôi phải gặp nhiều bác sĩ để hỏi cách giảm đau. Họ, dù trong cùng một khoa, gợi ý nhiều phương pháp chữa trị khác nhau. Một số người chia sẻ với tôi, họ có quan điểm hơi khác với cấp trên, nhưng ngại bày tỏ ý kiến công khai khi hội chẩn. Vì tôi hỏi, nên họ trao đổi riêng để tôi tùy ý tham khảo.

Chuyện cấp dưới không dám có ý kiến khác với cấp trên khá phổ biến ở một quốc gia bị ảnh hưởng mạnh bởi đạo Khổng như Việt Nam. Tôi không ít lần vấp phải điều này khi làm việc với các cơ quan nhà nước ở đây.

Khi tôi có một đề xuất hợp tác hay sáng kiến với phía Việt Nam, tôi thường trao đổi với một số nhân viên cấp dưới trong các bộ ngành trước, để đánh giá tính khả thi, và đề nghị họ đề đạt lên cấp trên. Nhiều người đánh giá cao, ủng hộ hoàn toàn và gợi ý chỉnh sửa sáng kiến của tôi để phù hợp hơn với thực tiễn.

Nhưng họ hầu hết yêu cầu tôi phải viết công văn chính thức để họ đệ trình lên cấp cao. Họ không dám tự khẳng định rằng đây là sáng kiến mà họ cũng ủng hộ. Họ không dám quả quyết với lãnh đạo rằng đây là đề xuất nên được thực thi. Quả bóng “trách nhiệm” được đẩy lên cấp trên.

Tôi quan sát thấy trong các cơ quan nhà nước, cấp dưới thậm chí còn sợ trình bày vì ngại bị sếp thấy mình có nhiều sáng kiến quá, sợ bị nghĩ là vượt quyền. Một số người sợ bị coi là “thể hiện”, có thể đe dọa vị trí của sếp. Nhiều nỗi sợ như vậy ngăn cản khả năng làm việc giản đơn và linh hoạt.

Vấn đề này liên quan tới khái niệm “khoảng cách quyền lực”. Trong nhiều xã hội Đông Á, tôn ti trên dưới được đề cao. Người dưới có xu hướng tôn trọng, tôn kính người trên. Điều này có nhiều mặt tốt, nhưng cũng khiến nhân viên không dám “bất đồng” với những người quản lý của mình.

Khoảng cách quyền lực gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn mọi người nghĩ. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ tai nạn máy bay từng cao hơn tỷ lệ chung của thế giới. Khi nghiên cứu các đoạn thoại trong khoang lái ở những thời điểm máy bay nguy cấp, các nhà điều tra phát hiện ra sự dè dặt của cơ phó trong việc phản biện cơ trưởng. Trong khi cơ trưởng bị cuống và đang sai lầm, nếu cơ phó mạnh mẽ hơn, máy bay có thể đã được cứu. Nhưng khoảng cách quyền lực quá lớn ngăn cản điều này xảy ra.

Hàn Quốc sau đó yêu cầu chuyển đổi ngôn ngữ trong khoang lái. Phi công phải dùng tiếng Anh thay vì tiếng Hàn như cũ. Tiếng Anh chỉ có hai ngôi rõ ràng, tôi (I) và bạn (you), cũng như không có nhiều kính ngữ, để giảm bớt khoảng cách quyền lực giữa cơ phó và cơ trưởng. Sự thay đổi nhỏ này góp phần khiến cho Hàn Quốc hiện là quốc gia có mức độ an toàn bay cao nhất.

Tiếng Việt là ngôn ngữ thể hiện rõ trật tự quyền lực. Khi mới sang Việt Nam học tiếng Việt vào năm 1980, một buổi tối, tôi thường đi ra nhà ga, địa điểm duy nhất mở cửa 24/24h tại Hà Nội khi đó. Để thực tập tiếng Việt, tôi gặp nhiều người và hỏi cùng một câu: “Đây có phải là nhà ga không?”.

Người đứng tuổi đáp: “Ờ, nhà ga”. Người cùng tuổi trả lời: “Phải, nhà ga”. Người ít tuổi hơn nói: “Vâng, nhà ga”. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy tiếng Việt luôn có những cách thức để người cao hơn thể hiện mình là bề trên và người thấp hơn thể hiện sự nhún nhường.

Tôi, ở góc độ nào đó, rất thích văn hoá “có trên, có dưới” của Việt Nam, nơi người già được nhường nhịn và tôn trọng. Nhưng giữa công việc và chuyện tình cảm phải phân minh. Không phải cứ sếp là đúng và không phải cứ lớn tuổi hơn là đúng. Nhân viên luôn sợ bày tỏ quan điểm sẽ không tốt cho công việc chung.

Ở các công ty hay tổ chức nước ngoài, luôn có bộ phận riêng biệt về đạo đức và đường dây nóng để nhân viên báo cáo những sai lầm của cấp trên mà không sợ bị ai biết và trù dập. Việt Nam có thể cũng sẽ tiến tới có những bộ phận độc lập như vậy để kiểm soát những sai lầm do “khoảng cách quyền lực” tạo nên.

Nhân viên cũng phải được đào tạo hàng năm về văn hoá tranh luận, dám có ý kiến xây dựng, dám nêu ý tưởng. Nhiều lãnh đạo cấp trên rất cởi mở và không muốn áp đặt quyền lực, nhưng cấp dưới tự mình e ngại trước.

Đây cũng là nguyên nhân hạn chế rất nhiều sáng kiến từ cấp dưới. Khoảng cách quyền lực cũng là lý do khiến nhiều cơ quan đang làm việc máy móc.

Phương pháp chữa trị cánh tay bị đau của tôi chỉ là chuyện nhỏ. Khoảng cách quyền lực có thể gây những hậu quả lớn hơn. Thu hẹp khoảng cách trong tâm lý này là điều mỗi cá nhân và toàn bộ hệ thống có thể cùng nhau ý thức và thực hiện.

Tái chế tư duy

Tái chế tư duy

Một công ty Trung Quốc vài năm trước sang Việt Nam đặt mua tất cả phụ phẩm của con cá tra mà nhà máy làm phi lê của ta vứt đi: đầu, da, vây, xương, mỡ và cả máu cá.

Họ sau đó chế ra “snack da cá phô mai”, làm đồ hộp, bán trở lại Việt Nam và bán rất chạy.

Một công ty xuất khẩu cá tra lớn khác, tám năm trước đã chiết xuất collagen, gelatin từ da cá bằng công nghệ cao. Nhà máy của họ sau đó còn sản xuất dược, mỹ phẩm từ nguyên liệu là các chất được chiết xuất này, xuất đi nhiều nước.

Không chỉ cá tra, lặn lội ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm, tôi đã thấy các kiểu chế biến phụ phẩm của nhiều loại cây trái nhiệt đới phong phú khó ngờ. Từ cây dừa, cây chuối, cây sen, cây mít đến thứ cây tràn đồng là lúa. Tất cả đều có thể tạo giá trị mới từ trái chín lẫn trái non, đến lá, cành, thân, rơm rạ, củ, rễ, cả đọt non.

Từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy sản, từ chế biến đơn giản đến giải pháp công nghệ như làm than sinh học, năng lượng tái tạo, biogaz… Khi phế phẩm trở thành đầu vào của một dòng sản phẩm mới, sự tuần hoàn được khởi động, mang lại giá trị kinh tế cao và tiết kiệm lớn tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Tại diễn đàn Mekong Connect ở TP HCM tháng 12 vừa qua, một nông dân đồng bằng nửa đùa nửa thiệt với tôi khi nghe thảo luận về kinh tế tuần hoàn. “Thôi chị ơi, mấy ông ‘chiên gia’ hay nói chữ chứ nông dân tụi tôi, thu hoạch xong, tiếc của và muốn trốn nghèo nên kiếm cách làm đại”, ông nói, “thế là chế trọn bộ đủ món chứ có gì mà tuần với hoàn”.

Phải vậy không? Tôi hẹn người nông dân về Sóc Trăng quê ảnh để nói tiếp câu chuyện. Rằng kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế của kinh tế toàn cầu chứ không chỉ là chuyện “tiếc của” ở đồng bằng mình.

Không giống với nền kinh tế tuyến tính truyền thống – nơi hàng hóa được sản xuất từ tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ, sau đó thải ra môi trường, kinh tế tuần hoàn là chu trình sản xuất khép kín. Trong đó, chất thải, nguyên vật liệu đã sử dụng được quay lại thành nguyên liệu cho sản xuất.

Sự khuyến khích tiêu dùng tối đa những năm qua ở nhiều nơi đã gặp thách thức: cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái, phát thải các chất độc tàn hại môi trường. Vì thế, nhân loại đang chuyển đổi sang cách sống thuận thiên, xanh hơn, sạch hơn. Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm nguồn đầu vào, tái chế, sáng tạo sản phẩm từ chính phế phẩm để cứu lấy Trái đất, đồng thời không “ăn chặn” tài nguyên của cháu con.

Vậy mà tôi mới bị bất ngờ. Một doanh nhân người nước ngoài hỏi như thách đố tôi, rằng có biết quan điểm phát triển kinh tế tuần hoàn lần đầu tiên đã được đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13? Thì ra, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến câu chuyện này của Việt Nam chứ không phải đố cho vui. Mục 5, về Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Phải xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Tôi nghe các nhà đầu tư và đại diện doanh nghiệp FDI trao đổi về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuyện làm ăn, họ còn “cá” với nhau xem chừng nào Việt Nam thực thi mô hình này. Trong câu chuyện, ví dụ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” được đem ra phân tích.

Một người bảo, đã nói “tuần hoàn” mà sao mới đây, trong tài liệu đề xuất cho Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng vẫn coi các loại bao bì có giá trị thương mại như thùng carton, lon nhôm, chai thủy tinh, thùng nhựa… đều là phế phẩm, bắt buộc doanh nghiệp phải xử lý như với rác thải.

Khi bị coi là phế phẩm, doanh nghiệp bị yêu cầu đóng phí xử lý rác thải với các sản phẩm trên, thậm chí không được tự tái chế. Tài liệu dự thảo hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường cũng yêu cầu doanh nghiệp chi trả thêm để cơ quan môi trường tái chế, bên cạnh việc doanh nghiệp đang đóng góp chung vào Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia. Trong khi thực tế, ở Việt Nam cũng như các nước, đó là nguồn nguyên vật liệu đầu vào của chu trình tái sản xuất, sáng tạo giá trị mới của kinh tế tuần hoàn.

Doanh nhân khác hỏi: “Kinh tế tuần hoàn trên văn kiện là thế, vì sao vào văn bản luật bị quy định ngược?”. Tôi phì cười, nghĩ cách giải thích với các “ông Tây” rằng “muốn nhanh thì phải từ từ”. Không ngờ câu nói đùa khiến tôi phải đón tiếp một thái độ khác. “Này, chuyện không nên đùa”, “ông Tây” nói, “các bạn phải tự thấy là Việt Nam đã chậm hơn nhiều nước trong xây dựng ngành công nghiệp thu gom và tái chế bao bì, rác thải – là mảng hoạt động cốt yếu của kinh tế tuần hoàn”.

Tôi nhận ra, nếu vẫn còn tư duy coi các loại bao bì, sản phẩm sau sản xuất vẫn còn giá trị thương mại như trên là phế phẩm thì rất oan cho doanh nghiệp. Việc không hợp lý này làm tăng giá thành sản phẩm và hậu quả lớn là cản trở mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Chưa kể, quan niệm như vậy đi ngược xu hướng tiến bộ của sự tuần hoàn thuận thiên, của nền kinh tế xanh, môi trường xanh, giảm phát thải, bảo vệ đa dạng sinh học.

Thụy Điển đã áp dụng chính sách tái chế trên toàn quốc. Phần lớn rác thải của quốc gia này đã được xử lý, chỉ chưa đến 1% rác từ các gia đình được chuyển đến bãi rác. Paris đề ra mục tiêu giảm 50% lượng rác thải trước 2025.

Chính phủ sao không cho phép doanh nghiệp được chọn nhiều hình thức tái chế khác nhau, miễn là đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan quản lý như các nước đã làm? Sự sáng tạo của doanh nghiệp sẽ kích thích một ngành công nghiệp non trẻ: Ngành tái chế cho Việt Nam.

Chuyển từ thói quen “vứt bỏ” sang “tái chế” đòi hỏi sự thay đổi của cả hệ thống mà tư duy chính sách của cơ quan chức năng và hành động của doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định.

Đã đến lúc Việt Nam thực thi nền kinh tế xanh để không bị kéo lùi phát triển, thể hiện quyết tâm biến ước vọng “giấc mơ xanh” thành hiện thực.

Vũ Kim Hạnh

(Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao)

Dám Làm Dám Sai

Dám Làm Dám Sai

Bước vào đời, tôi làm giảng viên Đại học Mỏ – Địa chất, gần như không động chạm mấy đến ghế lãnh đạo, trách nhiệm và lợi ích.

Sau đó là tám năm làm nghiên cứu khoa học ở Ba Lan, một nước Xã hội chủ nghĩa cũ nhưng có tư tưởng cởi mở. Thầy tôi là thứ trưởng Bộ Quy hoạch Ba Lan nên tôi được nghe ông giảng giải nhiều về lãnh đạo, trách nhiệm, đánh giá của xã hội về mình. “Phải biết xấu hổ khi tự mình thấy làm chưa tốt công việc”, tôi vẫn nhớ lời ông. Tôi nhiễm tư duy tích cực về lãnh đạo của ông nên thấy cuộc đời “cán bộ” của mình sau này cũng phẳng phiu.

Về nước, tôi làm việc với cương vị tiến sĩ khoa học vào năm 1988. Đến 1994, tôi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, nhưng cũng chỉ được phân công phụ trách mảng công việc liên quan nhiều đến kỹ thuật. Câu chuyện trách nhiệm với tôi cũng đơn giản, vì kỹ thuật dễ đo đếm để đánh giá hiệu quả.

Đến 2002, tôi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và được phân công phụ trách quản lý đất đai. Định hình lại lĩnh vực mình quản lý, có phần kỹ thuật nhưng không khó, thêm phần chính sách mới phức tạp, tôi bắt đầu cảm thấy “rờn rợn”. Có lẽ bởi khi ấy, tôi mong manh nhận thấy nhiều người dường như có lý khi tán đồng “quả là chí lý” rằng: làm nhiều – sai nhiều, làm ít – sai ít, không làm – không sai.

Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm gạt bỏ tư duy “không làm – không sai”. Tôi nghĩ “không làm thì làm sao phát triển được”.

Năm 2003, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch thực hiện kiểm tra một năm thi hành Luật Đất đai mới vào năm 2005. Đây lại là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh tại tất cả địa phương. Lãnh đạo nhiều tỉnh phản ứng gay gắt, bằng nhiều cách với đợt kiểm tra đất đai này. Khá nhiều dân mang đơn khiếu nại, tố cáo tới các đoàn kiểm tra.

Có phóng viên phỏng vấn tôi rằng “anh có sợ khi một số tỉnh quy cho Bộ thiếu trách nhiệm, tổ chức kiểm tra về đất đai vào thời điểm không phù hợp, gây hậu quả chính trị nghiêm trọng cho địa phương không?”. Tôi đã nói cứng rằng: “Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”.

Thế rồi, dù chịu không ít sức ép, Bộ cũng trình ra Bản phê duyệt kế hoạch kiểm tra đất đai đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tôi vẫn suy nghĩ thường xuyên và sâu hơn về câu hỏi: Cái gì cản trở người có thẩm quyền dám làm, dám đổi mới khi thực hiện thẩm quyền?

Thứ nhất, chúng ta dễ thống nhất với nhau yếu tố thứ nhất là con người. Người không có bản lĩnh thì khó có thể khẳng định đâu là “hay” và đâu là “dở”, việc gì phải làm và việc gì không được làm. Tôi tin nhiều người cũng như tôi, theo dõi các quyết sách của lãnh đạo các địa phương liên quan đến dịch Covid-19, có thể cảm nhận được sơ bộ về khả năng lãnh đạo của các tư lệnh địa phương.

Thứ hai theo tôi là yếu tố minh bạch của hệ thống pháp luật. Pháp luật minh bạch đến từng nội hàm, từng chi tiết thì xác định hành vi vi phạm rõ ràng và công bằng. Pháp luật thiếu minh bạch có thể làm cho đúng thành sai, sai thành đúng.

Tôi có anh học trò, tiến sĩ, đứng đầu cơ quan tài nguyên và môi trường một huyện. Anh đưa đất xen kẹt trong huyện ra đấu giá thu ngân sách cho huyện. Cả tổ chức, cá nhân đều tham gia và doanh nghiệp thắng vì trả giá cao hơn. Rồi có đơn khiếu nại, lãnh đạo huyện lo ngại đã tự quyết định huỷ kết quả đấu giá. Nhưng sau đó, vụ việc vẫn bị cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh kết luận là đấu giá sai vì thẩm quyền giao đất cho tổ chức thuộc tỉnh, không thuộc huyện. Hơn nữa, họ còn cho rằng việc đấu giá đất như vậy “không gây hậu quả kinh tế nhưng gây hậu quả chính trị vì làm mất lòng tin của dân”.

Sự thực, việc đấu giá đất và việc giao đất là hai công đoạn khác nhau. Đấu giá xong rồi, ai thắng đấu giá thì được giao đất theo đúng thẩm quyền. Kết luận “làm mất lòng tin của dân” thì quả là buồn. Cuối cùng, học trò tôi bị kỷ luật khá nặng. “Tích cực quá cũng khổ vào thân, thầy ạ”, anh than.

Khía cạnh thứ ba là tìm cách gì để đánh giá người nào có thẩm quyền sử dụng thẩm quyền đạt hiệu hiệu quả cao nhất. Trên thế giới, cả về lý thuyết và kinh nghiệm, người ta đã chỉ ra rằng để đánh giá bất kỳ yếu tố nào đều phải sử dụng hệ thống chỉ số tương ứng, có thể chỉ số định lượng tính ra từ kết quả làm việc, hoặc có thể chỉ số định tính thông qua thu thập ý kiến từ cộng đồng. Hệ thống chỉ số đánh giá càng phù hợp thì kết quả đánh giá càng đúng. Ở Việt Nam, hệ thống chỉ số đánh giá còn quá ít và chưa được coi là công cụ chính thức trong xây dựng và thực thi luật pháp.

Chúng ta mới có vài hệ thống chỉ số khái quát chung như về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, hay cảm nhận của người dân về thủ tục hành chính và quản trị PAPI… Mảng còn thiếu mà các cơ quan tại Việt Nam có thể tiến tới là xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá cho hoạt động của từng ngành, từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ công. Các bộ chỉ số dạng này rất phổ biến trên thế giới. Điều quan trọng là chúng ta có nhận thức rằng hệ thống chỉ số đánh giá rất quan trọng và buộc phải xây dựng sớm nhất hay không.

Quan sát nhiều năm qua, tôi nhận thấy tư duy “không làm – không sai” không giảm. Bài viết này đã chỉ ra ba nguyên nhân chủ yếu: chọn cán bộ không đúng, pháp luật thiếu minh bạch và thực thi yếu kém, không đánh giá công việc bằng các chỉ số hợp lý. Còn một nguyên nhân bao trùm: tư duy nhiều cán bộ chưa chịu thay đổi để dám chịu trách nhiệm.

“Trường hợp cán bộ thực hiện đúng, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”, chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ sáng tạo mới đây của Bộ Chính trị được cho rằng có ý nghĩa mở đường. Chiếu theo tinh thần này, học trò tôi đáng ra đã không bị kỷ luật.

Tôi vẫn cho rằng, người tâm sáng là người không ngại làm.

Giáo Sư Đặng Hùng Võ

 

Nuốt cá lớn

“Nuốt cá lớn” – Lê Văn Thành (Kiến trúc sư giải pháp, Google)

Buổi sáng tháng 10 sáu năm trước, người phụ trách kinh doanh thị trường phía Nam vừa bay từ Sài Gòn ra, bước vào phòng họp và chia sẻ tin đồn hãng Dell sẽ mua lại công ty chúng tôi.

Đó là cuộc họp đầu tuần tại trụ sở văn phòng đại diện EMC Việt Nam, tầng 14, toà nhà IPH, đường Xuân Thuỷ, Hà Nội. Tôi lúc đó đang là trưởng nhóm tư vấn công nghệ tại Việt Nam của công ty hàng đầu thế giới về hệ thống lưu trữ này.

Vị sếp lớn trấn an rằng tin đồn này có từ lâu, “việc đó gần như không thể xảy ra”, anh nói, “cá bé không thể nuốt cá lớn được”.

Gọi là cá bé vì khi đó Dell là công ty tư nhân, giá trị ước tính khoảng 24 tỷ USD. Trong khi đó, EMC có vốn hoá thị trường ước tính 35 tỷ USD, chưa kể EMC còn sở hữu khoảng 80% cổ phần của Vmware, một tên tuổi về ảo hoá hạ tầng công nghệ thông tin thị giá tương đương 23 tỷ USD nữa.

Tối hôm đó, tức đầu giờ sáng bên Mỹ, hai công ty chính thức thông báo về thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử ngành công nghệ giữa Dell và EMC với giá 67 tỷ USD. Thương vụ khiến các báo quốc tế giật tít “giới công nghệ ngã ngửa”. Hàng trăm dòng trạng thái trên Twitter và Facebook không tin “nuốt cá lớn” lại trở thành sự thực.

Hàng loạt bài viết sau đó bày tỏ quan ngại về số nợ khổng lồ 48,6 tỷ USD mà Michael Dell – ông chủ hãng máy tính Dell – và cộng sự phải gánh. Ở tuổi 50, tóc bạc nửa đầu, Michael Dell liệu có tìm ra được lời hóa giải cho số nợ khủng?

31 năm trước, cậu sinh viên năm nhất 19 tuổi Michael Dell đã khởi nghiệp lập lên hãng Dell trong căn phòng ký túc xá đại học Texas với 1.000 USD. Chỉ bốn năm sau, kỹ sư đón sinh nhật thứ 23 với tư cách tỷ phú trẻ nhất trong danh sách lãnh đạo các công ty Fortune 500, tạo ra đế chế mới trên thị trường máy tính. Năm 2001, Dell vượt mặt Compaq để trở thành thương hiệu máy tính lớn nhất thế giới.

Làn sóng công nghệ đã nhanh chóng đẩy doanh nhân trẻ vượt qua các tỷ phú khác để trở thành người giàu thứ tư nước Mỹ khi mới tuổi 40 trong thời hoàng kim của máy tính cá nhân. Năm 2004, Michael Dell chuyển giao quyền điều hành công ty để theo đuổi mục tiêu riêng.

Những năm sau đó, thị trường máy tính cá nhân trở nên bão hoà, Internet đã tạo ra nhiều hãng công nghệ mới có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn như Amazon (1994), Google (1998), Salesforce (1999), Facebook (2004). Cuối năm 2006, Dell tuột tay danh hiệu nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới cho đối thủ HP. Đây là lý do thôi thúc để năm 2007, Michael Dell trở lại cương vị CEO dẫn dắt Dell trong cuộc suy thoái trên thị trường thiết bị cá nhân. 2007 cũng là năm mở đầu thời kỳ đại suy thoái kinh tế thế giới 2007 – 2009.

Năm 2011, Michael Dell chỉ còn sở hữu 12% cổ phần trong chính công ty mình sáng lập. Các nhà đầu tư không còn mặn mà với phần cứng nữa mà chạy theo hơi thở của thời đại là phần mềm, di động và điện toán đám mây.

Trong nỗ lực cứu lấy đứa con tinh thần của mình, năm 2013, Michael Dell đã hợp sức với Silver Lake Partner, công ty đầu tư công nghệ có trụ sở ở California cùng khoản vay từ Microsoft để gom toàn bộ cổ phiếu Dell trên thị trường chứng khoán, biến Dell thành công ty tư nhân. Là công ty tư nhân, quyền kiểm soát của ông được tăng cường và có thể theo đuổi những giá trị lâu dài hơn so với việc đáp ứng đòi hỏi ngắn hạn từ các cổ đông phố Wall luôn đói cổ tức.

Hai năm sau, ông đưa ra quyết định mạo hiểm nhất trong đời là mua lại EMC với giá 67 tỷ USD và ôm về khoản nợ lớn. Dù Michael Dell đã thuyết phục thành công các cộng sự và 11 tổ chức tài chính lớn chung tay thực hiện thương vụ, nó bị giới đầu tư đánh giá không khác gì canh bạc đầy rủi ro vì sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn.

Giới công nghệ và học thuật vẫn luôn dõi theo thương vụ sáp nhập có một không hai này trong hơn sáu năm qua. Tôi đọc nhiều bài phân tích và thấy chưa ai thực sự tin tưởng vào một kết thúc có hậu.

Cho đến sáng 1/11 vừa qua, Dell đã ra thông báo hoàn tất việc tách Vmware ra khỏi Dell Technologies để trở thành công ty phần mềm độc lập với thị giá khoảng 64 tỷ USD. Phần còn lại của Dell có giá trị ước tính 33 tỷ USD.

Khi nghe tin này, dù không còn là nhân viên công ty nữa nhưng tôi vẫn rất phấn chấn. Tháng 5/2018, khi là giám đốc công nghệ (Field CTO), tôi được tới Las Vegas tham dự hội nghị toàn cầu của Dell. Đứng cách Michael Dell vài mét, trong hội trường lớn của The Venetian Resort Las Vegas, tôi tiếp nhận được đam mê và lập luận xác đáng khi ông nói về thế giới tương lai và vai trò của Dell Technologies trong tầm nhìn đó. Tôi đã hoàn toàn tin quyết định hợp nhất Dell và EMC của ông là đúng đắn. Vấn đề chỉ là thời gian.

Sau một loạt động tác mua bán, sáp nhập, chia tách rất phức tạp, Dell Technologies đã trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều so với sáu năm trước. Chỉ năm năm, tài sản của Michael Dell đã tăng từ 19,8 tỷ (2016) lên 55,1 tỷ (2021) USD, gần gấp ba lần. Thương vụ chia tách Vmware khỏi Dell Technlogies sau đó đã dập tắt mọi nghi ngờ, khiến giới đầu tư thực sự ngả mũ trước Michael Dell.

Mua bán và sáp nhập (M&A) là chiến lược được nhiều doanh nghiệp sử dụng để nhanh chóng mở rộng thị phần, tăng trưởng doanh thu hay hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm.

Thông thường, một doanh nghiệp lớn sẽ mua doanh nghiệp nhỏ khác. Doanh nghiệp nhỏ sau khi bị thâu tóm sẽ dần biến thành một bộ phận trong doanh nghiệp lớn. Rất ít trường hợp doanh nghiệp nhỏ thực hiện chiến lược M&A với công ty lớn hơn vì nhiều rào cản. Vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử công nghệ thế giới giữa Dell và EMC minh chứng cho trường hợp “nuốt cá lớn” hiếm hoi thành công.

Kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn suy thoái mới do thảm hoạ Covid-19. Nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang lâm vào khó khăn. Nhiều doanh nhân cũng đang đau đầu nghĩ cách vực lại đứa con tinh thần của mình như Michael ngày nào. Có thể không ít trong số họ đang phải đối mặt với lựa chọn tồn tại hay bỏ cuộc, có nên tham gia M&A để đưa công ty thoát khỏi quán tính lùi.

“Nếu bạn muốn thay đổi, sáng tạo, làm những thứ mới thì bạn phải ôm lấy rủi ro”, Michael Dell từng nói. Sự khác nhau giữa kinh doanh, đầu tư và đánh bạc là bạn có thể hành động bằng trí tuệ và tầm nhìn để thay đổi kết quả.

Tôi kể lại câu chuyện trên theo quan sát của một nhân viên công ty trong quá trình đó để góp thêm một góc nhìn giúp nhà kinh doanh vực dậy cảm hứng chèo chống công ty. Mọi con diều chỉ có thể bay cao nhờ ngược gió.

Lê Văn Thành

(Kiến trúc sư giải pháp, Google)